TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM

Trân trọng giới thiệu với quý tự viện Phật giáo, chư vị độc giả cuốn sách “Tượng Phật Việt Nam” do nhà xuất bản Thanh Hóa xuất bản năm 2017.
TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM

Nội dung chính trong sách là giới thiệu hình ảnh điện Phật và chư Phật cùng chư vị đệ tử được tôn thờ trong 350 tự viện Phật giáo từ Bắc vào Nam của Việt Nam và các nước Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Canada, Pháp, Nga và Hoa Kỳ. Qua đây, chúng tôi muốn gửi đến quý tự viện, chư vị độc giả nguồn tư liệu về tượng thờ trong những ngôi chùa mà chúng tôi có duyên đến chiêm bái và chụp ảnh hơn 30 năm qua, từ cách bài trí trong những ngôi chùa thuộc các hệ phái khác nhau, vùng miền khác nhau, đến chất liệu, phong cách, kỹ thuật tạo tượng của nhiều thế hệ nghệ nhân Việt Nam và các nghệ nhân trên thế giới. Chỉ riêng chất liệu tạo tượng, chúng ta đã thấy sự phong phú vô cùng của pho tượng thờ. Ngoài các chất liệu thường thấy như đất thô, gốm, xi-măng, thạch cao, đá hoa cương, đồng, gỗ, sáp, bạc, vàng, ngọc … chúng ta còn có những pho tượng được tạo tác bằng tóc (tượng Tổ sư Đạt Ma chùa Tây Tạng, Bình Dương), bằng hổ phách (tượng Thích Ca nhập Niết bàn chùa Viên Giác, TP. Hồ Chí Minh), bằng tre (bộ tượng Thập bát A La Hán chùa Thánh Duyên, Thừa Thiên Huế), bằng sợi thủy tinh tổng hợp (tượng đức Phật Thích Ca chùa Phật Quang, Kiên Giang), bằng hồ hợp chất (tượng Bồ tát Chuẩn Đề chùa Long An, Tiền Giang), bằng sa thạch (tượng đức Phật Thích Ca chùa Linh Sơn, TP. Vũng Tàu), bằng ngà (tượng Bồ tát Quán Thế Âm chùa Pháp Hoa, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) … Nếu chúng ta đi sâu vào một loại chất liệu gỗ, thì cũng thấy có đến nhiều loại gỗ để tạo tượng, từ gỗ mít đến gỗ pơ-mu, trầm hương …
Ở mỗi chùa, chúng tôi giới thiệu địa chỉ và thông tin ngắn về niên đại thành lập chùa, điện Phật và tượng thờ. Để độc giả nước ngoài thuận lợi trong việc tìm hiểu nội dung sách, chúng tôi có dịch tiếng Anh dưới bài viết tiếng Việt. Có được tác phẩm Tượng Phật Việt Nam đến với quý tự viện và độc giả gần xa, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý vị trụ trì cùng quý Tăng, Ni ở các chùa đã giúp chúng tôi ghi chép tài liệu và chụp ảnh. Chân thành cảm ơn họa sĩ thiết kế Nguyễn Trấn Hào, dịch giả Phan Ngọc Hùng và Thượng tọa Tiến sĩ Thích Giác Hiệp đã hiệu đính bản dịch tiếng Anh. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Hòa thượng Tiến sĩ Thích Trí Quảng, Hòa thượng Tiến sĩ Thích Bảo Nghiêm, Hòa thượng Tiến sĩ Thích Không Trú, Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nhật Từ, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng và Cư sĩ Trần Trọng Khoái đã viết lời giới thiệu cuốn sách ở các góc độ khác nhau, làm tăng giá trị học thuật và tư liệu của tác phẩm. Với khoảng một triệu pho tượng được tôn thờ trong hơn 18.000 tự viện Phật giáo Việt Nam ở trong nước và hải ngoại thì việc chúng tôi giới thiệu các điện Phật và tượng thờ trong 350 ngôi chùa là một đóng góp rất nhỏ. Chúng tôi cũng thiếu chuyên môn để xác định đầy đủ niên đại, chất liệu và kỹ thuật tạo tượng. Qua tác phẩm này, chúng tôi rất mong nhận được những lời chỉ dạy quý báu, những ý kiến đóng góp chân tình của quý tự viện, của các nhà khoa học cùng quý độc giả để chúng tôi bổ sung, sửa chữa trong lần tái bản.

 

 

CHÙA MIỀN BẮC

CHÙA MIỀN TRUNG

CHÙA TP. HỒ CHÍ MINH

CHÙA MIỀN NAM

CHÙA HẢI NGOẠI

 

Tin cùng chuyên mục