CHÙA PHẬT TÍCH, BẮC NINH.

Chùa tên Vạn Phúc Tự, thường gọi là chùa Phật Tích, tọa lạc ở sườn phía Nam núi Lạn Kha, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa cách Hà Nội khoảng 20 km về phía Đông Bắc.
CHÙA PHẬT TÍCH, BẮC NINH.

Chùa được khởi dựng vào khoảng thế kỷ 7-10. Đến thời Lý, chùa được đại trùng tu  quy mô, trở thành một trung tâm Phật giáo. Vào năm 1057, vua Lý Thánh Tông đã cho dựng cây tháp và đúc pho tượng Phật A Di Đà mình vàng. Năm 1071, vua Lý Thánh Tông đến chùa viết chữ “Phật” dài 5m, sai khắc vào đá đặt trên sườn núi. Trong buổi đầu xây dựng chùa, bà Nguyên phi Ỷ Lan đã có nhiều đóng góp để tạo nên một đại danh lam thời bấy giờ.

Thời Trần, vua Trần Nhân Tông đã cho lập một thư viện lớn trên núi Lạn Kha do danh nho Trần Tôn làm Viện trưởng để giảng dạy các sinh đồ. Năm 1383, Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tổ chức thi Thái học sinh (tiến sĩ) ở ngay trong chùa, lấy đỗ 30 người.

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết hằng năm vào ngày mồng 4 tháng giêng (âm lịch) chùa mở hội hoa mẫu đơn, nhiều người đến dâng hương lễ Phật. Chính hội xem hoa này đã dẫn đến câu chuyện lãng mạn “Từ Thức gặp tiên”.

Chùa được bà Trần Ngọc Am, đệ nhất cung tần của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng cho sửa chữa quy mô vào thế kỷ 17. Chùa bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1947. Năm 1958, chùa được dựng lại sơ sài. Đến năm 1991, chùa được xây dựng dần theo quy mô kiến trúc cổ.

Vào năm 2008, Thượng tọa trụ trì Thích Đức Thiện đã tổ chức xây dựng ngôi chùa quy mô lớn và cho dựng pho tượng đức Phật A Di Đà bằng đá cao 27m, nặng hơn 3.000 tấn, đặt trên đỉnh núi Phật Tích, ở độ cao 108m so với mặt nước biển (tạc theo nguyên mẫu pho tượng đức Phật thời Lý ở chùa). Đại tượng đã được khai quang vào ngày 26/9/2010.

Điện Phật được bài trí trang nghiêm, hệ thống tượng thờ đầy đủ của một Phật điện chùa miền Bắc. Ngoài ban Tam Bảo còn có các ban thờ: Bồ tát Quan Âm tọa sơn, Bồ tát Quan Âm Chuẩn Đề, Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Địa Tạng, Thập bát A La Hán, Bát bộ Kim Cương, Thập Điện Minh Vương, Hộ Pháp, Tôn giả A Nan, Trưởng lão Cấp Cô Độc; các ban thờ Tổ Khương Tăng Hội, Tổ Tì Ni Đa Lưu Chi; ban thờ các vị vua thời Lý: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông.

Đặc biệt, ở điện Phật, có pho tượng đức Phật A Di Đà bằng đá ngồi thiền định trên tòa sen cao 1,85m, kể cả bệ là 3m. Một số nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng bệ đá hoa sen có từ thời Lý, còn pho tượng có thể có trước thời Lý. Đây là một kiệt tác điêu khắc bằng đá ở Việt Nam. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vào ngày 04/5/2006: “Bảo tượng đức Phật bằng đá thời Lý lớn nhất”. Bảo tượng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia ngày 01/10/2012.

 

 

Vườn tháp mộ sau chùa có 32 ngôi tháp. Chùa thờ tượng nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết trong nhà Tổ đệ nhất. Thiền sư thuộc đời 34 dòng Lâm Tế, viên tịch tại chùa năm 1644. Vua Lê Chân Tông phong Ngài là Minh Việt Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền Sư. Tượng nhục thân Ngài đã được các nhà khoa học do PTS Nguyễn Lân Cường chỉ đạo đã phục  nguyên thành công theo phương pháp Guerasimov từ ngày 12/01/1993 đến ngày 01/5/1993 với chiều cao 67,3 cm, nặng 10kg.

Chùa còn giữ một số tác phẩm điêu khắc thời Lý. Ở thềm bậc nền thứ hai, có 10 tượng thú bằng đá là: sư tử, voi, trâu, ngựa, tê giác, mỗi loại 2 con, mỗi con cao khoảng 2m nằm trên bệ hoa sen, cùng một số di vật khác như đấu kê, chân tảng... Ở thềm bậc nền thứ ba có ao Long Trì (ao rồng) hình chữ nhật. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục ngày 12/12/2007: “Ngôi chùa có năm cặp tượng linh thú bằng đá lớn nhất”. Bộ tượng 10 linh thú đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia ngày 25/12/2017.

Đặc biệt, có một số chân tảng chạm khắc thật sinh động các nghệ sĩ đang biểu diễn các nhạc khí gồm: sáo dọc, sáo ngang, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tam, đàn tì bà, trống phách. Đó là dàn nhạc bát âm cổ vào thời Lý. Bát âm là tám chất liệu âm thanh gọi chung cho 8 loại nhạc khí được chế tác bằng 8 chất liệu khác nhau: Thạch (đá, như đàn đá, khánh đá), Thổ (đất, như trống đất của dân tộc Cao Lan), Kim (sắt, có dây bằng sắt), Mộc (gỗ, như song loan, mõ), Trúc (hơi thổi, như tiêu, sáo), Bào (nhạc khí làm bằng vỏ quả bầu, như tính tẩu, đàn bầu), Tì (dây tơ, như đàn nhị, hồ, líu), Cách (da, như trống cái, trống chầu). 

Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia ngày 28/4/1962.

Chùa đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là “Di tích quốc gia đặc biệt về di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật” năm 2014.

Võ Văn Tường

 

Ảnh 01. Toàn cảnh chùa

Ảnh 02, 02. Đại tượng Phật A Di Đà (bằng đá, cao 27m, nặng hơn 3.000 tấn)

Ảnh 04. Ngôi chánh điện

Ảnh 05. Điện Quan Âm

Ảnh 06. Điện Phật

Ảnh 07, 08. Bảo tượng đức Phật A Di Đà thời Lý

Ảnh 09. Ban thờ chư Bồ tát: Quán Thế Âm, Văn Thù và Phổ Hiền

Ảnh 10. Ban thờ Bồ tát Quán Thế Âm

Ảnh 11. Ban thờ Bồ tát Địa Tạng

Ảnh 12, 13. Ban thờ Thập bát A La Hán

Ảnh 14-17. Ban thờ Bát bộ Kim Cương

Ảnh 18, 19. Ban thờ Hộ Pháp

Ảnh 20-23. Ban thờ Thập Điện Minh Vương

Ảnh 24. Ban thờ Tôn giả A Nan

Ảnh 25. Ban thờ Trưởng lão Cấp Cô Độc

Ảnh 26. Ban thờ Tổ Khương Tăng Hội

Ảnh 27. Ban thờ Tổ Tì Ni Đa Lưu Chi

Ảnh 28. Nhà thờ Tổ Chuyết Chuyết

Ảnh 29-30. Tượng nhục thân Thiền sư Chuyết Chuyết

Ảnh 31. Ban thờ ba vị vua thời Lý

Ảnh 32, 33. Khu vườn tháp Tổ

Ảnh 34. Sách đồng ghi lịch sử chùa

Ảnh 35-37. Tượng linh thú thời Lý

Ảnh 38-42. Chạm khắc đá trên đấu kê chân tảng thời Lý

Ảnh 43. Giếng chùa

 

Sách TƯỢNG PHẬT VIỆT NAM - Chùa 46.

Tin cùng chuyên mục