SẮC TỨ TÂY THIÊN DI ĐÀ TỰ, HUẾ VỚI TĂNG CANG HÒA THƯỢNG THANH NINH TÂM TỊNH.

Chùa Tây Thiên Di Đà tọa lạc ở phía tây nam núi Ngự Bình, số 21/9 đường Nam Giao, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
SẮC TỨ TÂY THIÊN DI ĐÀ TỰ, HUẾ VỚI TĂNG CANG HÒA THƯỢNG THANH NINH TÂM TỊNH.

Chùa do Hòa thượng Tâm Tịnh khai sơn vào năm 1902.

 

Ngài Tâm Tịnh thế danh là Hồ Hữu Vĩnh, sinh ngày 07 tháng 7 năm 1868 tại Triệu Phong, Quảng Trị, trong một gia đình có cha mẹ là những Phật tử thuần thành. Năm 1880, lúc 13 tuổi, ngài vào chùa Báo Quốc, Phú Xuân lễ Tăng cang Hòa thượng Diệu Giác xin xuất gia.

 

Năm 1887, ngài được thọ Sa di thập giới, có pháp danh Thanh Ninh, tự là Hữu Vĩnh, thế hệ thứ 41 dòng thiền Lâm Tế, tức đời thứ 7 Pháp phái Liễu Quán. Bảy năm sau, năm 1894, triều đình cho Hòa thượng Diệu Giác và Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ (chùa Từ Hiếu) mở Đại giới đàn ở chùa Báo Quốc. Ngài được thọ Cụ túc giới.

 

Năm 1895, ngài vâng lệnh Bổn sư đến chùa Từ Hiếu tham học với Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ. Bấy giờ, Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỳ đã 85 tuổi, lại đang tổ chức đại trùng tu chùa Từ Hiếu, nên đã giao ngài làm Tự trưởng cùng với ngài Tri sự Huệ Minh và một số Phật tử lo việc trùng tu ngôi chùa suốt bảy tháng. Năm 1898, Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ viên tịch, ngài kế vị trú trì chùa Từ Hiếu.

 

Đến năm 1902, ngài giao chức trú trì cho ngài Huệ Minh để vân du hóa đạo.

 

Ngài đi về làng Dương Xuân Thượng dựng thảo am Thiếu Lâm Trượng Thất để tu thiền và tịnh độ.

 

Năm 1904, ngài đổi thảo am thành Thiếu Lâm Tự, xây dựng ngôi chùa ở bên phải thảo am.

 

Năm 1911, ngài chú tạo tượng đức Phật A Di Đà và đổi tên chùa thành Tây Thiên Phật Cung. Trong năm này, ngài được triều đình cử về trú trì chùa Diệu Đế.

 

Năm 1918, ngài Tăng cang chùa Diệu Đế viên tịch, ngài được triều đình bổ nhiệm chức Tăng cang.

 

Năm 1924, nhân dịp Tứ tuần Đại khánh của mình, vua Khải Định đã ngự viếng chùa Tây Thiên và ban cho ngài Tâm Tịnh một đồng vàng và 200 đồng bạc Đông Dương.

Cũng trong năm 1924, vua Khải Định cho mở Đại giới đàn Từ Hiếu vào Đại lễ Phật Đản năm Giáp Tý, ngài được cử làm Đàn đầu Hòa thượng để truyền giới cho 450 giới tử, trong đó có 300 Tăng Ni thọ Đại giới.

 

Đệ tử xuất sắc của ngài là: Giác Nguyên (kế thừa chùa Tây Thiên), Giác Tiên (khai sơn chùa Trúc Lâm), Giác Viên (khai sơn chùa Hồng Khê), Giác Nhiên (tọa chủ chùa Thiền Tôn), Giác Hải (khai sơn chùa Giác Lâm), Giác Bổn (trú trì chùa Từ Quang), Giác Ngạn (trụ trì chùa Kim Đài), Giác Hạnh (khai sơn chùa Vạn Phước), Đôn Hậu (trú trì chùa Linh Mụ). Các vị này đã đào tạo nhiều tăng tài cho Phật giáo đã và đang hoằng pháp trong nước và nước ngoài.

 

Năm 1926, vua Bảo Đại cấp một số tài vật và Phật tử gần xa đã đóng góp tịnh tài, tịnh vật để trùng tu ngôi chùa. Chùa được đổi tên là Tây Thiên Phật Cung Tịnh Xá.

 

Ngày 25 tháng 4 năm 1928, Hòa thượng Tâm Tịnh an nhiên thị tịch, thọ 60 tuổi đời, 34 hạ lạp. Thiền sư Viên Thành, Tổ khai sơn chùa Tra Am đã truy niệm công hạnh và đạo phong của ngài bằng câu đối:

 

                                            

                                     滿     

 

          Dịch âm:

                    Tứ thập nhất đại Lâm Tế chấn thiền phong, đào chú công thâm, thùy thị đương đầu khế bổng

                    Ngũ thập cửu niên Diêm Phù thùy hóa tích, trí bi nguyện mãn, nhi kim tát thủ hoàn gia.

 

        Dịch nghĩa:

                    Lâm Tế đời bốn mươi mốt, giữ vững thiền phong, nung đúc công sâu, ai người đảm đương hợp lẽ đạo

                    Trần gian tuổi năm mươi chín, rủ lòng giáo huấn, trí bi nguyện đủ, mà nay thõng tay về chốn cũ.

                                                                  (trích website: todinhtudamhaingoai.org)

 

            Ngài Giác Nguyên, đệ tử đắc pháp của Hòa thượng kế vị trú trì chùa.

 

            Ngài Giác Nguyên thế danh là Đặng Ngộ, sinh năm 1877 tại Tuy Phước, Bình Định. Ngài xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 1891. Đến năm 1896, ngài được thọ Sa di giới, pháp danh là Trừng Văn, tự là Chí Ngộ.

 Năm 1902, ngài theo Bổn sư Tâm Tịnh ra lập thảo am Thiếu Lâm Trượng Thất. Năm 1910, ngài được thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Phước Lâm, Hội An. Cũng trong năm này, ngài được đắc pháp đại sư với pháp hiệu Giác Nguyên.

 

Ngài kế vị trụ trì chùa Tây Thiên Di Đà năm 1928. Ngài thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 42, tức đời thứ 8 Pháp phái Liễu Quán. Năm 1967, ngài cùng đệ tử Thiện Hỷ lập “Tịnh nghiệp Đạo tràng Tây Thiên”.

 

Ngài viên tịch vào ngày mồng Một Tết Canh Thân (16/02/1980) thọ 104 tuổi, 70 hạ lạp.

 

Năm 1933, vua Bảo Đại ban cho chùa tấm biển “Sắc tứ Tây Thiên Di Đà Tự”.

           

            Năm 1932, An Nam Phật học hội được thành lập. Hội đã mở Phật học Đại học đường ở chùa Thiên Hưng, sau đó chuyển về chùa Tây Thiên Di Đà. Giám đốc Phật học Đại học đường Tây Thiên là Hòa thượng Giác Nhiên (trú trì chùa Thiền Tôn, Huế), Giáo thọ là Hòa thượng Phước Huệ (chùa Thập Tháp Di Đà, Bình Định). Phật học đường Tây Thiên đã đào tạo nhiều vị cao tăng thạc đức cho Phật giáo Việt Nam những năm 1940 về sau.

 

Kế tục trụ trì ngài Giác Nguyên là ngài Tâm Thọ Thiện Hỷ.

 

Ngài sinh năm 1919. Năm 1938, xuất gia với Hòa thượng Giác Nguyên, trú trì chùa Tây Thiên Di Đà. Ngài thọ Sa di giới với pháp danh Tâm Thọ, tự Thiện Hỷ. Năm 1949, ngài thọ Cụ túc giới tại Giới đàn Hộ Quốc ở chùa Báo Quốc, Huế.

 

Năm 1951, sau khi tổ chức Gia đình Phật hóa phổ được đổi tên thành Gia đình Phật tử Việt Nam thì chùa Tây Thiên trở thành “trại trường” của tổ chức này.

 

Năm 1958, ngài Thiện Hỷ cùng chư tăng chùa Tây Thiên thành lập trường Sơ cấp Phật giáo để giúp đỡ con em trong địa phương có nơi hoc tập; lập trạm y tế từ thiện để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào Phật tử nghèo trong thời gian dài.

 

Năm 1969, ngài được môn phái cử làm trú trì chùa Tây Thiên. Ngài được Giáo hội cử làm Trưởng ban Kiến đàn cho Giới đàn thọ Sa di Thập thiện và Tại gia Bồ tát giới.

 

Ngài an nhiên thị tịch vào ngày 22 tháng 10 năm Kỷ Dậu (01/12/1969), thọ thế 51 tuổi, 21 hạ lạp. Đệ tử xuất gia của ngài có trên 30 vị.

 

Năm 1980, sau khi ngài Giác Nguyên viên tịch, Môn phái đã họp và cử ngài Nhật Liên làm trú trì. Song ngài giao lại cho pháp điệt coi sóc, rồi ngài vào miền Nam tiếp tục hoằng hóa độ sinh.

 

Ngài Nhật Liên thế danh Diệp Quang Tiền, pháp danh Tâm Khai, tự Thiện Giác, hiệu Trí Ấn Nhật Liên. Ngài sanh ngày 13 tháng 10 năm Quý Hợi (1923) tại Quảng Trị. Ngài xuất gia với Hòa thượng Giác Nguyên. Ngài thọ giới Sa di năm 1940. Năm 1944, sau khi tốt nghiệp tại Phật học đường Tây Thiên, ngài được cử vào Nam giảng dạy tại Thích học đường của hội Lưỡng Xuyên Phật Học tại Trà Vinh. Năm 1952, ngài thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Ấn Quang do Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm Hòa thượng Đàn Đầu. Ngài là viện chủ chùa Văn Thánh, Sài Gòn và viện chủ chùa Long Thọ, Long Khánh. Ngài viên tịch vào ngày 08 tháng 01 năm 2010, trụ thế 87 năm, 57 hạ lạp.

 

Được sự ủy nhiệm của Môn phái và ngài Nhật Liên, ngài Từ Phương (đệ tử của ngài Thiện Hỷ) làm tự trưởng chùa Tây Thiên từ năm 1980.

 

Ngài thế danh Phạm Bá Nguyên, pháp danh Nguyên Không, pháp tự Từ Phương, dòng Lâm Tế đời thứ 44. Ngài sinh ngày 10 tháng 5 năm 1946 tại Phong Điền, Thừa Thiên.

 

Năm 1990, ngài Từ Phương đã tổ chức trùng tu Hậu Tổ; năm 1997, ngài cho sửa lại tiền đường.

 

Năm 2000, ngài cho xây hòn non bộ ở sân trước chùa và tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 2,60m bằng đá trắng (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

 

Ước nguyện của ngài là đại trùng tu ngôi chánh điện nhưng do bệnh duyên nên ngài đã viên tịch vào ngày 05 tháng 12 năm Giáp Thân (14/01/2005), trụ thế 59 năm, 35 hạ lạp.

 

Thực hiện ước nguyện của Bổn sư, từ năm 2005, Thượng tọa Thích Nguyên Minh (đệ tử của ngài Từ Phương) đã lên kế hoạch đại trùng tu ngôi tổ đình. Năm 2008, Thượng tọa cho xây dựng nhà Hậu, chỉnh trang sân vườn; từ năm 2012 đến năm 2014, Thượng tọa cho trùng kiến ngôi chánh điện, xây dựng hội trường … thành ngôi phạm vũ Tây Thiên uy nghiêm, mỹ lệ, thoáng đãng.

 

Ngày 23 tháng 01 năm 2015, nhân ngày húy kỵ lần thứ 10 của cố Hòa thượng Thích Từ Phương, chùa Tây Thiên đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ trai Tăng cúng dường, lễ hoàn nguyện trùng tu ngôi chánh điện và lễ chẩn tế âm linh cô hồn nguyện cầu âm siêu dương thái.

 

            Về kiến trúc, chùa có kiểu kiến trúc chữ “khẩu” là kiểu kiến trúc truyền thống của ngôi chùa Huế. Mặt trước là tiền đường và Phật điện, gọi chung là ngôi chánh điện. Phía sau ngôi chánh điện, hai bên có hai dãy nhà làm nhà khách và tăng xá, xây mặt vào vườn hoa cây cảnh ở giữa. Sau cùng là nhà hậu. Các dãy nhà nối liền và khép kín thành hình vuông, như chữ “khẩu” (chữ Hán).

 

Ngôi chánh điện xây theo kiểu trùng lương trùng thiềm, trên nóc chùa có rồng hai bên quay đầu vào chầu hổ phù ở giữa, trên có bánh xe pháp luân. Các đầu đao trang trí hình long lân quy phụng; ở tiền đường có sáu cột trang trí hình rồng đắp nổi bằng mảnh sành đủ màu sắc, nghệ thuật điêu luyện, sinh động!

 

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa tôn trí tượng đức Phật A Di Đà bằng bạch kim thếp vàng. Tượng cao 1,6m, tòa sen cao 0,58m, đế cao 0,92m, trên y có hoa văn chữ “thọ” (chữ Hán). Trước tượng Phật A Di Đà, tôn trí tượng đức Phật Thích Ca và tượng Đản Sanh, hai bên có hai bức tranh vẽ Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Án thờ hai bên tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí (tượng đồng). Vách tường hai bên treo  sáu bức tranh vẽ 16 vị A La Hán.

 

Công hạnh tu tập và đạo nghiệp của các ngài được thể hiện qua nội dung một số câu đối treo ở chùa như sau:

 

Câu đối ở hai trụ giữa cổng tam quan:

            Phá vô minh trừ nhị chấp ma ngoại hàng tâm

            Thị bát tướng hiển lục thông nhân thiên khể thủ

                                    (Hòa thượng Trừng Nguyên Đôn Hậu cẩn đề,

                                  Thượng tọa Nguyên Minh dịch âm)

 

Câu đối trong Phật điện:

            Sanh sanh bất tăng diệt diệt bất giảm chân như vạn cổ thường tân,

            Tiền tiền vô thủy hậu hậu vô chung kim tính bản lai như thị.

                                    (Dịch âm: Thượng tọa Nguyên Minh)

 

            Lãm ngoại dược lan diêu thính phạm âm đàm thật tướng,

            Kim lung giới nội nghiễm chiêm diệu thế biến trang nghiêm.

                                    (Dịch âm: Thượng tọa Nguyên Minh)

 

Câu đối tại nhà Hậu Tổ:

            Lâm tuyền khô mộc đãi nhân tri ngộ vị khai hoa,

            Thiếu thất vi phong phất diện vấn thùy năng tác Phật.

                                    (Hòa thượng Tâm Phật Thiện Siêu cẩn đề)

 

Tổ đình Tây Thiên, Phật học Đại học đường đầu tiên của xứ Thuận Hóa.

 

 

Võ Văn Tường

 

Tài liệu tham khảo:

 

  1. Hà Xuân Liêm (2000), Những ngôi chùa Huế, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế.
  2. Thích Đồng Bổn chủ biên (1995), Tiểu sử Danh Tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Võ Văn Tường (1992), Việt Nam Danh lam Cổ tự, ngôn ngữ: Việt-Anh-Pháp-Hoa, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  4. Trang tưởng niệm Hòa thượng Thích Nhật Liên 09/01/2010, bản pdf.
  5. Thích Nguyên Minh (2020), Vài nét tiểu sử Tổ đình Tây Thiên - Huế, tài liệu đánh máy.

 

Website:

  1. www.kinhsach.org. Hòa thượng Giác Nguyên (1877-1980)
  2. www.phatgiaohue.vn

Lễ húy nhật Tổ khai sơn Tổ đình Tây Thiên (ngày 09/4/2019)

Lễ húy nhật cố Hòa thượng Thiện Hỷ (1919-1968) chùa Tây Thiên (ngày 12/12/2014)

  1. www.quangduc.com HT. Thích Từ Phương (1946-2005)

 

 

 

 

Ngôi chánh điện (ảnh 2009)

 

Ngôi chánh điện (ảnh 2010)

 

Ngôi chánh điện (ảnh TT Nguyên Minh 2020)

 

Điện Phật

 

Tượng đức Phật A Di Đà

 

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên

 

 

 

 

Chú thích ảnh:

Ảnh 01. Cổng tam quan (ảnh 06/9/2009)

Ảnh 02. Toàn cảnh chùa (ảnh 06/9/2009)

Ảnh 03. Đài Bồ tát Quán Thế Âm và hòn giả sơn ở sân trước chùa

Ảnh 04. Hòn giả sơn

Ảnh 05. Đài Bồ tát Quán Thế Âm

Ảnh 06-07. Ngôi chánh điện (ảnh 06/9/2009)

Ảnh 08. Ngôi chánh điện (ảnh 18/3/2010)

Ảnh 09. Mặt bên ngôi chánh điện

Ảnh 10-12. Sân cây cảnh sau ngôi chánh điện

Ảnh 13-14. Ngôi chánh điện mới (ảnh TT. Nguyên Minh, 27/9/2020)

Ảnh 15-16. Điện Phật (ảnh 06/9/2009)

Ảnh 17. Điện Phật mới (ảnh TT. Nguyên Minh, 27/9/2020)

Ảnh 18-19. Tượng đức Phật A Di Đà (ảnh 18/3/2010)

Ảnh 20-21. Hoa văn trên y và đế tượng Phật

Ảnh 22. Bàn thờ Bồ tát Quán Thế Âm

Ảnh 23. Bàn thờ Bồ tát Đại Thế Chí

Ảnh 24. Phù điêu Bồ tát Văn Thù

Ảnh 25. Phù điêu Bồ tát Phổ Hiền

Ảnh 26-31. Tranh vẽ 16 vị A La Hán

Ảnh 32. Tranh rồng ở trần Phật điện

Ảnh 33. Đại hồng chung

Ảnh 34. Trống

Ảnh 35. Bàn thờ Tổ (ảnh 06/9/2009)

Ảnh 36. Bàn thờ Tổ (ảnh TT. Nguyên Minh, 27/9/2020)

Ảnh 37-39. Khu tháp Tổ

 

 

 

Ghi chú: Trong 39 ảnh trên, Võ Văn Tường: 35 ảnh (chụp năm 2009, 2010).

TT. Thích Nguyên Minh, chùa Tây Thiên: 04 ảnh (chụp năm 2020).

 

Tin cùng chuyên mục